Nguyên nhân Trồng rồi lại chặt

Nguyên nhân lớn ảnh hưởng đến hiện tượng Trồng rồi lại chặt là từ Trung Quốc. Phần lớn nông sản Việt Nam xuất khẩu sang nước này, có thời điểm thị trường Trung Quốc nhập số lượng lớn hàng nông sản, chẳng hạn mít.[1] Vào một số thời điểm họ không nhập hàng dẫn đến hàng hóa dồn ứ.[1] Một nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đó là hậu quả của Đại dịch COVID-19 khiến tình trạng lỗ lã, phá sản trên diện rộng nhiều ngành nghề, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp.[7] Nông sản của nhiều nước như Thái Lan, Campuchia,... cũng cạnh tranh khốc liệt với nông sản Việt Nam để nhập vào Trung Quốc.[12] Sự biến động thị trường tiêu thụ nông sản Trung Quốc gây ra khủng hoảng từ đó dẫn đến hiện tượng trồng - chặt, điều đó cho thấy sự phụ thuộc nặng nề của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, thị trường xuất khẩu nông sản gần như duy nhất của Việt Nam.[6][12][20] Năm 2016, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang Phạm Ngọc Cơ cho biết "Ngay cả cây cao su, khoai mì cũng bán sang thị trường [Trung Quốc] là chủ yếu".[10] Một dữ liệu về thanh long, hơn 80% trong sản lượng 1,4 triệu tấn thanh long của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc.[12]

Vấn đề lớn của hiện tượng trồng - chặt không chỉ là số lượng nông sản mà là vấn đề chất lượng.[4][2] Sản phẩm không được chú trọng chất lượng dẫn đến bị ngừng xuất khẩu.[2] Đầu năm 2023, thanh long ruột đỏ của Việt Nam xuất sang Nhật Bản bị đình chỉ.[21] Yêu cầu chất lượng cần được đáp ứng đầy đủ, điều này minh chứng thông qua chứng nhận mã vùng nông sản xuất khẩu.[2]

Việc thiếu quản lý về giá cả gây thiệt hại nặng cho người nông dân. Tại Bến Tre, giá măng cụt mua tại vườn có thời điểm 40.000 VND/kg nhưng giá bán trôi nổi bên ngoài chỉ có 30.000 VND/kg, từ đó gây thiệt hại cho họ.[19] Như thế, giá cả hoàn toàn chi phối hiện tượng trồng - chặt này chứ không phải sự đảm bảo của các hợp đồng thương mại.[14] PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh - nguyên giảng viên khoa nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ đã có đánh giá người nông dân chạy theo phong trào, trồng trọt đánh liều, chỉ thấy cái lợi trong ngắn hạn.[14] Không chỉ giá bán mà còn giá vật tư nông nghiệp quá cao, chi phí của phân bón, thuốc trừ sâu,... tăng mạnh khiến lợi nhuận không thể bù đắp, do đó dẫn đến chặt - trồng. Năm 2023, nông dân nhiều địa phương ở Bến Tre vẫn chặt bỏ bưởi da xanh dù giá nông sản loại quả này đã có dấu hiệu tăng lại. Họ chuyển sang trồng loại cây khác như dừa xiêm xanh, điều.[20]

Hiện tại[khi nào?] thì chính quyền không thể kiểm soát nổi nông dân. Năm 2011, chính quyền Hậu Giang cố gắng tìm cách khống chế việc bỏ lúa trồng cam sành, nhưng quá muộn. Chỉ riêng xã Tân Thành thuộc Ngã Bảy đã có 1.043 ha trồng cam, trong khi lúa chỉ còn diện tích 4,4 ha. Tại xã Phú Hữu huyện Châu Thành, 400 ha bưởi năm roi chỉ còn 80 ha. Chúng cũng bị chặt để trồng cam.[14] Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang Phạm Ngọc Cơ cho biết "Người dân thấy trồng cây gì có lợi thì họ trồng, không cản được".[10] Năm 2023, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay UBND cấp tỉnh không thể bắt buộc người dân, "Cơ quan nhà nước chỉ đứng trên góc độ tổng thể như thị trường trong và ngoài nước, điều kiện tự nhiên, thị trường cạnh tranh... để khuyến cáo, cảnh báo nông dân chứ không thể cấm nông dân không được trồng cây này hay phải trồng cây khác..."[22]

Trồng - chặt diễn ra không đồng bộ, "mạnh ai nấy làm", dẫn đến sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu thông tin thị trường. Dẫn đến trồng rồi lại khó khăn đầu ra thị trường tiêu thụ.[23]

Các giống cây trồng mới cho ra nông sản có nhiều ưu điểm vượt trội nên nhất thời thu hút khách hàng tiêu thụ trên thị trường. Việc trồng chúng cũng có nhiều thuận lợi. Một ví dụ, chanh không hạt có nguồn gốc từ Mỹ. Quả chanh không có hạt, vỏ mỏng, nước ít chua, không có vị đắng như chanh giấy. Cây cho trái quanh năm, cây ít gai, năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt. Trồng sau 18 tháng là đã có thể thu hoạch.[24] Lợi nhuận do giống cây mới mang lại rất lớn cũng khiến nông dân nhất thời chạy theo, chẳng hạn, việc trồng chanh dây ở Gia Lai trong năm 2016 được tính toán chỉ đầu tư 100 triệu VND vào 1 ha đất có thể mang về lợi nhuận 1 tỷ VND. Ông Phạm Ngọc Cơ cho biết "Rất khó thực hiện quy hoạch loại cây trồng vì phải phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ".[10]

Một nguyên nhân bất khả kháng của chặt rồi trồng là do tình trạng xâm nhập mặn khiến các vườn cây bị mất mùa hoặc chết, điều này thấy rõ tại Tiền Giang, Bến Tre.[19][20] Tại xã Tam Bình, Cai Lậy, Tiền Giang, thiên tai kép gồm đợt hạn hán và nước nhiễm mặn nghiêm trọng nhất chưa từng có vào năm 2020,[25] hơn 70 % diện tích canh tác sầu riêng bị chết, số còn lại cũng đang chết dần.[25][26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trồng rồi lại chặt https://www.sggp.org.vn/bao-gio-thoat-khoi-vong-la... https://thanhnien.vn/binh-phuoc-lo-ngai-tinh-trang... https://quochoitv.vn/tieu-diem-chuyen-doi-cay-tron... https://vtc.vn/nong-dan-o-at-bo-lua-trong-sau-rien... https://danviet.vn/vi-sao-nong-dan-tien-giang-o-at... https://vtv.vn/kinh-te/thanh-long-ruot-do-di-nhat-... https://vov.vn/kinh-te/chat-bo-thanh-long-o-ba-ria... https://vov.vn/kinh-te/vi-dang-cay-lam-giau-post93... https://thanhnien.vn/o-at-don-bo-mang-cut-18576751... https://thanhnien.vn/o-at-chat-tieu-trong-chuoi-ca...